Cơ quan chức năng Việt Nam và Cơ quan Hải quan và bảo vệ biên giới Mỹ (CBP) vừa phát hiện lô hàng nguyên liệu 1,8 triệu tấn nhôm, trị giá khoảng 4,3 tỷ USD có nguy cơ gian lận xuất xứ Việt Nam để sang Mỹ và các nước. Đây là số nhôm của Công ty TNHH Nhôm Toàn Cầu, trụ sở chính tại khu công nghiệp Mỹ Xuân B1 – Conac, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, từ năm 2015 đến hết tháng 9 năm nay, công ty nhập khẩu hơn 2,44 triệu tấn nhôm nguyên liệu, xuất khẩu 400.000 tấn. Như vậy, doanh nghiệp này nhập bình quân 488.000 tấn mỗi năm, trong khi xuất khẩu 80.000 tấn, chỉ bằng 16,3% tổng lượng nhập và 40% công suất thiết kế của nhà máy.

Tổng cục trưởng Hải quan Nguyễn Văn Cẩn cho biết, doanh nghiệp có công nghệ, dây chuyền nhưng lại nhập khẩu nhôm nguyên liệu như nhôm thỏi, nhôm thanh, nhôm bán thành phẩm… với trị giá lên tới hàng tỷ USD. Doanh nghiệp này có thể muốn lợi dụng chênh lệch thuế suất khi Mỹ hiện áp thuế với nhôm nhập khẩu từ Việt Nam là 15% nhưng từ Trung Quốc lên đến 374%. “Họ có quyền tiêu thụ ở Việt Nam, nhưng phải nộp các loại thuế đầy đủ”, ông Cẩn nói.

“Tuy nhiên, 1,8 triệu tấn nhôm trên rất khó tiêu thụ ở Việt Nam vì thị trường quá nhỏ”, Cục trưởng Giám sát Quản lý về hải quan Âu Anh Tuấn nói.

Nhôm Toàn Cầu nhập số nhôm nguyên liệu trên chủ yếu từ Trung Quốc, Mỹ, Australia, Nga, Mexico, Malaysia, Indonesia. Là doanh nghiệp chế xuất nên hàng hóa xuất nhập khẩu không phải chịu thuế. Xong thủ tục hải quan, họ đưa nguyên liệu về nhà máy để sản xuất một phần, còn lại gửi tại bãi thuê ngoài.

Tổng cục Hải quan cho biết, hàng phải chịu sự giám sát hải quan từ khi nhập khẩu, trong suốt quá trình sản xuất đến khi xuất khẩu. 1,8 triệu tấn nhôm đang được để ở các kho thuê ngoài và 200.000 tấn ở nhà máy. Do đó, hải quan phải giám sát bằng camera tại cổng ra vào toàn bộ khu vực bãi có tường rào cứng ngăn cách với bên ngoài và thường xuyên tuần tra, giám sát.

Theo ông, doanh nghiệp vẫn khai báo là hàng nhập để sản xuất, xuất khẩu nên sẽ giám sát cho đến khi xuất hết. “Trường hợp doanh nghiệp đưa ra tiêu thụ nội địa thì hải quan sẽ xử lý vấn đề về thuế.

Trong khi đó, đại diện Bộ Công Thương cho rằng, vụ kiểm soát 1,8 triệu tấn nhôm này là chống lẩn tránh, chứ không đơn thuần là chống gian lận thương mại hay giả mạo xuất xứ. Theo ông, các lô hàng được cấp giấy chứng nhận xuất xứ (C/O) Việt Nam đều đáp ứng các điều kiện để được cấp C/O, cũng như quy định của nước nhập khẩu (trường hợp này là Mỹ).

Giải thích thêm, ông cho rằng, Việt Nam có thể sử dụng nhôm đùn từ nhiều nguồn để sản xuất nhôm, khi bán vào Mỹ sẽ được coi là hàng Việt Nam và được hưởng thuế 15%. Nhưng nếu sử dụng nhôm đùn nguồn gốc Trung Quốc thì sẽ bị đánh thuế cao như hàng nhập khẩu từ thị trường này và bị coi là “lẩn tránh”.

Ông Lê Triệu Dũng – Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, sau vụ việc này Bộ Công Thương đã có danh sách cảnh báo loạt mặt hàng có thể nằm trong diện “chống lẩn tránh” thuế khi xuất sang Mỹ, trong đó có mặt hàng được nâng mức độ cảnh báo lên ngưỡng cao nhất – cấp độ nguy hiểm.

Anh Tú – Anh Minh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *